Những ai từng hướng dẫn nghiên cứu sinh (NCS) ở các trường đại học phương Tây nếu đọc qua qui trình bảo vệ luận án tiến sĩ ở VN chắc phải kinh ngạc [1]. Kinh ngạc không phải vì nội dung khoa học mà vì thủ tục hành chính quá ư phức tạp, và điều này xuất phát từ sự thiếu tin tưởng vào NCS và người hướng dẫn.
Theo một thống kê do Bộ GDĐT công bố, có đến phân nửa những trường hợp được kiểm tra làm không đúng qui trình [2]. Như vậy, phải nói rằng qui trình hành chính đặt ra là có vấn đề. Đáng nói là 3% trong số luận án thẩm định không đạt yêu cầu, nên phải thành lập hội đồng thẩm định lại. Con số này chưa cao về mặt lượng, nhưng về mặt phẩm chất thì chỉ vài luận án không đạt tiêu chuẩn cũng đủ để gióng tiếng chuông báo động.
Học tiến sĩ không chỉ là luận án
Ở VN, rất nhiều người hướng dẫn và cả NCS rất quan tâm đến luận án, coi đó là mục đích của việc học, là phương tiện để có văn bằng tiến sĩ. Tuy nhiên, theo tôi mối quan tâm đó không hợp lí.
Khi mới vào học chương trình tiến sĩ, giáo sư hướng dẫn từng nói thẳng với tôi: “Tôi thấy anh quá lo cái luận án mà không lo đến việc công bố bài báo khoa học; tôi phải nói thẳng rằng anh rất sai lầm về lựa chọn đó; luận án của anh rồi cũng chỉ tồn tại trên cái giá sách kia [ông đưa tay chỉ về giá sách với hàng chục luận án từ thập niên 1970] chứ có ai đọc đâu, chính anh cũng không đọc nữa; bài báo khoa học mới có giá trị lâu dài; luận án chỉ là tập hợp những bài báo khoa học.”
Bài báo khoa học là một đóng góp quan trọng của NCS khi học tiến sĩ. Nó đúc kết những phương pháp, kết quả nghiên cứu và phải trải qua một qui trình bình duyệt của các chuyên gia trong cùng ngành và có chuyên môn về chủ đề nghiên cứu. Khi công bố bài báo khoa học, NCS có cơ hội hệ thống hoá kiến thức, trao dồi kĩ năng viết báo khoa học, và kinh nghiệm đối phó với các chuyên gia bình duyệt (mà cũng là đồng nghiệp của mình trong tương lai). Nếu bài báo được công bố trên các tập san có chỉ số ảnh hưởng cao, NCS có cơ hội “thành danh” sớm hơn các NCS khác.
Bài báo khoa học còn là một cái “acid test” tốt nhất cho NCS. Khi bài báo đã qua bình duyệt và được công bố, nó được tất cả các đồng nghiệp trong ngành đọc và “săm soi”, góp ý.
Ở các đại học Úc và Anh, luận án tiến sĩ thực chất là tập hợp những bài báo đã công bố nhưng phải viết lại chi tiết hơn để thành mộtmonograph. Các đại học Bắc Âu cũng có mô hình tương tự. Thông thường, một NCS công bố 2-3 bài báo trước khi soạn thảo thành một luận án. Với mô hình này, luận án xem như đã được cộng đồng khoa học trong chuyên ngành trên thế giới thông qua, chứ không phải chỉ vài người xét duyệt.
Đơn giản hóa Quy trình bảo vệ luận án bằng cách tham khảo một mô hình bình duyệt kín của các đại học Úc
Bước 1, chuẩn bị danh sách người bình duyệt. Trước khi NCS nộp luận án, nhà trường yêu cầu người hướng dẫn cùng NCS bàn bạc để đề cử 3 người có thể bình duyệt luận án. Trường cũng có một danh sách các chuyên gia khác bình duyệt.
Bước 2, bình duyệt. Sau khi luận án được nộp, trường sẽ gửi cho 2-3 chuyên gia bình duyệt (người hướng dẫn và NCS đều không biết danh sách này) , trong đó phải có ít nhất một người nước ngoài. Sau 3 tháng bình duyệt, các chuyên gia gửi một bản thẩm định, kèm theo đó là đề nghị chấp nhận luận án, cần chỉnh sửa, và bác bỏ luận án.
Bước 3, chỉnh sửa. Phần lớn luận án sau khi qua bình duyệt đều phải chỉnh sửa vài chi tiết nhỏ. NCS sau khi nhận được bản thẩm định sẽ trả lời từng câu hỏi, nhận xét của chuyên gia, và đồng thời chỉnh sửa luận án theo yêu cầu.
Bước 4, hội đồng học thuật ra quyết định. Sau chỉnh sửa luận án, NCS nộp luận án cho trường. Theo định kì 4 lần mỗi năm, Hội đồng học thuật của trường sẽ họp và xem xét báo cáo thẩm định của các chuyên gia, đối chiếu với phản biện của NCS, và sẽ ra quyết định sau cùng. Thông thường, quá trình này mất khoảng 6 tháng, trường hợp hiếm là đến 9 tháng.
Ở Úc không có buổi lễ bảo vệ luận án như cách làm khá “màu mè” ở VN. Ở Viện tôi, suốt thời gian theo học, mỗi năm NCS phải trình bày tiến độ và kết quả nghiên cứu trước toàn viện (khoảng 500 nhà khoa học). Ngoài ra, mỗi tuần NCS phải dự họp lab, và mỗi 2 tháng phải báo cáo kết quả nghiên cứu trước lab. Trước khi trình luận án, NCS còn có một buổi báo cáo sau cùng trước toàn Viện, và sau đó là một buổi tiệc nhỏ để… mừng NCS (dù luận án mới được nộp). NCS không tốn một đồng nào cho qui trình trên.
Theo tôi, một qui trình như thế cũng có thể áp dụng ở VN, với điều kiện NCS VN phải có công bố quốc tế. Bởi nếu không, việc thẩm định luận án rất khó khăn, vì có những vấn đề trong luận án mà một chuyên gia có khi không phát hiện. Khi công bố thì luận án được trình bày trước cộng đồng khoa học quốc tế nên khi có vấn đề thì dễ bị phát hiện hơn.
Theo qui định mới của Bộ DGĐT về đào tạo tiến sĩ, nghiên cứu tiến sĩ phải có một bài báo khoa học đăng trên một tập san quốc tế hay kỉ yếu hội nghị. Nhưng tôi nghĩ qui định này chưa đạt. Bài đăng trên kỉ yếu hội nghị khó có thể xem là bài báo khoa học, vì rất nhiều hội nghị khoa học không có bình duyệt nghiêm chỉnh.
Một cách lí tưởng, học vị tiến sĩ là một loại “hộ chiếu quốc tế” để tham gia nghiên cứu khoa học. Tôi từng đề nghị, để đảm bảo tính quốc tế của học vị tiến sĩ ở trong nước, mỗi đề án nghiên cứu cấp tiến sĩ ở một số ngành khoa học, nên mời ít nhất là một giáo sư uy tín ở nước ngoài tham gia hướng dẫn nghiên cứu và luận án. Điều này giúp NCS có thêm thông tin, học thêm về phương pháp khoa học, và nhất là thiết lập mối bang giao khoa học sau khi tốt nghiệp rất cần thiết cho giai đoạn nghiên cứu hậu tiến sĩ.
Trong thực tế, luận án chỉ là một phần trong chương trình đào tạo tiến sĩ, những phần khác còn quan trọng hơn là những kiến thức chuyên ngành và kĩ năng khoa học mà NCS tiếp thu trước khi trở thành một nhà khoa học chuyên nghiệp và độc lập (3). Do đó, học tiến sĩ không chỉ là “làm đẹp” luận án.