NTTU – Nhằm tăng cường hoạt động học hỏi, tạo dựng và phát triển môi trường trao đổi học thuật, chia sẻ kinh nghiệm nhằm nâng cao năng lực của cán bộ Giảng viên, nghiên cứu viên. Nâng cao mối quan hệ hợp tác toàn diện giữa Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, Trung tâm Khuyến Nông và Dịch vụ Nông nghiệp – Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Tiền Giang cùng các đơn vị quản lý nhà nước, giảng viên, doanh nghiệp về nghiên cứu khoa học, triển khai các đề tài nghiên cứu và phát triển công nghệ có nguồn gốc từ tự nhiên, sản phẩm nông nghiệp tại tỉnh Tiền Giang. Ngày 31/03/2022, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành phối hợp với Trung tâm Khuyến Nông và Dịch vụ Nông nghiệp tỉnh Tiền Giang đồng tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề “Nghiên cứu tận dụng phụ phẩm từ quả mít để sản xuất các sản phẩm giá trị gia tăng trên địa bàn tỉnh Tiền Giang” thuộc đề tài nghiên cứu Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Tiền Giang quản lý (Mã số: ĐTNN 04/2020)
Chủ trì cho buổi hội thảo là PGS. TS. Bạch Long Giang, Trưởng phòng Khoa học Công nghệ kiêm Phó viện trưởng Viện Ứng dụng Công nghệ và Phát triển bền vững – Trường ĐH Nguyễn Tất Thành và ThS. Nguyễn Tấn Quốc, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ Nông nghiệp Tiền Giang.
PGS. TS. Bạch Long Giang, Trưởng phòng Khoa học Công nghệ kiêm Phó viện trưởng Viện Ứng dụng Công nghệ và Phát triển bền vững – Trường ĐH Nguyễn Tất Thành phát biểu tại hội thảo
Đến dự buổi hội thảo khoa học có đại diện của các đơn vị Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Tiền Giang, Viện Cây ăn quả Miền Nam, Khoa Nông nghiệp và Công nghệ Thực phẩm – Trường ĐH Tiền Giang, Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ Nông nghiệp tỉnh Tiền Giang, Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản tỉnh Tiền Giang, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Cai Lậy, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Cái Bè, Công Ty TNHH Một Thành Viên MSH Fruits Intertrade; Nghiên cứu viên, giảng viên từ Viện Ứng dụng Công nghệ và Phát triển Bền vững – Trường ĐH Nguyễn Tất Thành.
Các cán bộ và giảng viên tham dự buổi hội thảo
Việt Nam là một nước nông nghiệp cùng với khí hậu nhiệt đới thuận lợi nên có nguồn trái cây phong phú. Các loại trái cây này trong quá trình chế biến, hạt vỏ thường xử lý theo rác tạo ra gánh nặng cho công tác xử lý môi trường và gây lãng phí. Cây mít cũng không là một ngoại lệ, mít cũng được coi là nguồn cung cấp bóng mát và thức ăn cho gia súc. Việc nghiên cứu phát triển các sản phẩm từ phụ phẩm của mít như hạt, xơ và vỏ bước đầu đáp ứng nhu cầu thực tại, kế đến là góp phần không nhỏ trong việc giảm gánh nặng rác thải ra môi trường và hơn nữa là tạo sự phát triển bền vững cho ngành nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Tiền Giang.
Hội thảo đã trình bày 04 tham luận:
- Thực trạng trồng, chế biến các sản phẩm từ mít và phụ phẩm của quả mít trên địa bàn tỉnh Tiền Giang (ThS. Trần Thanh Lưu);
- Nghiên cứu xây dựng quy trình sản xuất tinh bột từ phụ phẩm hạt mít (ThS. Lê Đăng Trường);
- Nghiên cứu quy trình công nghệ sản xuất thức ăn ủ chua từ xơ và vỏ mít tại tỉnh Tiền Giang (ThS. Trần Thiện Hiền);
- Nghiên cứu đánh giá hiệu quả của giá thể hữu cơ sau compost vỏ và xơ mít (NCS.ThS. Trần Thành).
Đại diện lãnh đạo tỉnh Tiền Giang phát biểu tại hội thảo
Nghiên cứu tận dụng phụ phẩm từ quả mít để sản xuất các sản phẩm giá trị gia tăng trên địa bản tỉnh Tiền Giang nhằm mục tiêu khai thác triệt để các phần còn lại của quả mít (gồm hạt mít, xơ và vỏ quả mít) ứng dụng các công nghệ mới để sản xuất các sản phẩm giá trị gia tăng, góp phần nâng cao giá trị sử dụng cho quả mít, đa dạng hóa các sản phẩm từ mít, giảm thiểu nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, thúc đẩy các ngành công nghiệp thực phẩm phát triển và hướng đến phát triển bền vững ngành sản xuất nông nghiệp. Kết quả nghiên cứu của đề tài sẽ là cơ sở thúc đẩy phát triển một số ngành khoa học thực phẩm, nông nghiệp liên quan, tận dụng phụ phẩm từ quả mít để sản xuất các sản phẩm giá trị gia tăng, góp phần gia tăng giá trị cho cây mít, giảm thiểu nguy cơ ô nhiễm môi trường.
Những kết quả đạt được của Trường ĐH Nguyễn Tất Thành đã góp phần tích cực trong việc ứng dụng, chuyển giao công nghệ và phát triển kinh tế – xã hội ở địa phương; là cầu nối quan trọng tạo sự liên kết giữa viện nghiên cứu, trường đại học với doanh nghiệp để chuyển hóa các kết quả nghiên cứu ứng dụng vào thực tiễn sản xuất kinh doanh ở địa phương.
Một số hình ảnh tại buổi hội thảo: