Một quốc gia khởi nghiệp cần một thế hệ nhân lực được cài sẵn tinh thần khởi nghiệp và tư duy doanh nhân. Việc đó chỉ có thể hiện thực hoá thông qua giáo dục khởi nghiệp sáng tạo, bắt đầu từ hệ đại học.
Vườn ươm khởi nghiệp trong nhà trường
Theo PGS.TS Bạch Long Giang, Giám đốc Trung tâm Sáng tạo và Ươm tạo Khởi nghiệp (NIIC) – trường ĐH Nguyễn Tất Thành, các trung tâm ươm tạo khởi nghiệp ở trường đại học đóng vai trò rất lớn trong việc thúc đẩy tư duy sáng tạo của sinh viên.
Đơn cử, tại trường ĐH Nguyễn Tất Thành, trung tâm ươm tạo có nhiệm vụ dẫn dắt sinh viên trải nghiệm các hoạt động khởi nghiệp, lan toả cảm hứng, bồi dưỡng nâng cao năng lực cũng như hoàn thiện ý tưởng.
Để thực hiện mục tiêu xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp sinh viên, trường ĐH Nguyễn Tất Thành đã đưa vào giảng dạy chương trình đào tạo về nội dung này. Bên cạnh đó, trường cũng tổ chức các sân chơi ý tưởng, xây dựng quỹ hỗ trợ sáng tạo khởi nghiệp, hình thành không gian đổi mới sáng tạo sinh viên. Việc tổ chức hội thảo, tập huấn, phát động tham gia cuộc thi khởi nghiệp, ký kết với các tỉnh để thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương… cũng được chú trọng. Thông qua các hoạt động này, những dự án, ý tưởng của sinh viên có cơ hội phát triển rộng hơn.
Nhận định về phong trào khởi nghiệp sáng tạo của nhà trường, ông Trương Thanh Hùng – Phó chủ tịch Hội đồng Tư vấn hỗ trợ khởi nghiệp Quốc gia – cho rằng đây là một trong những trường đại học ở khu vực phía Nam tiên phong quan tâm, tổ chức các hoạt động thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp của sinh viên. “Từ năm 2018, nhà trường đã triển khai các hoạt động xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Đến nay, trường có được nhiều thành tựu trong lĩnh vực này” – ông Hùng đánh giá.
Khơi dậy khát vọng khởi nghiệp của sinh viên
Trường đại học là cái nôi và là nơi tạo đà để sinh viên khởi nghiệp. Sự đồng hành của các thầy cô và bạn bè đồng chí hướng sẽ tạo điều kiện thuận lợi để sinh viên biến những ý tưởng ban đầu thành dự án khả thi.
Trong đó, các cuộc thi khởi nghiệp sáng tạo cấp trường, khu vực hay quốc gia cũng là dịp để sinh viên có cơ hội cọ xát, giới thiệu ý tưởng, kêu gọi đầu tư vốn từ doanh nghiệp.
Trong những năm qua, sinh viên trường ĐH Nguyễn Tất Thành đã đạt nhiều thành tích tốt tại các cuộc thi: Giải nhất cuộc thi NTT Start-Up Open Day 2019 với dự án bột tảo nguyên liệu Ater; Giải khuyến khích với dự án Đũa Việt tại vòng chung kết Giải thưởng Tài năng Lương Văn Can 2019. Đặc biệt, năm 2020, dự án ứng dụng bột tảo spirulina làm thức ăn cho tôm và cải tạo môi trường đã giành giải nhất cuộc thi Khởi nghiệp Quốc gia 2020.
Bạn Lê Thị Ngọc Châu (khoa Kỹ thuật Thực phẩm và Môi trường), đại diện nhóm giành giải nhất cuộc thi NTT Start-Up Open Day 2019, chia sẻ: “Việc tham gia khởi nghiệp khi còn ngồi ở ghế nhà trường là một điều tuyệt vời, giúp chúng mình trưởng thành hơn, sáng tạo hơn, dám nghĩ dám làm và dám chấp nhận rủi ro”.
Để khởi nghiệp thành công, sinh viên cần hội tụ nhiều điều kiện, nhưng không thể thiếu sự định hướng, hỗ trợ của nhà trường. Sau khi giành kết quả cao từ các cuộc thi, các dự án khởi nghiệp trên đã được trường hỗ trợ phát triển và đưa ra thị trường.
Hiện tại, trường triển khai thử nghiệm dự án “Bột tảo spirulina làm thức ăn cho tôm” tại một số hộ nuôi tôm ở Bến Tre; đồng thời đưa 5 dự án tham gia chương trình cố vấn tăng tốc của Công ty WSAFE để triển khai ra cộng đồng. Bên cạnh đó, 3 dự án (ống hút thuỷ trúc, nhóm tảo spirulina thức ăn cho tôm, Dr.Râu) được gửi tham gia gọi vốn với Quỹ Vietnam Silicon Foundation. Đặc biệt, một dự án về nấm mối đen của nhóm sinh viên khoa Công nghệ sinh học đã được triển khai sản xuất với doanh nghiệp Nấm Như Ý.
Nhà trường cũng phối hợp chặt chẽ với Chương trình khởi nghiệp Quốc gia, Vườn ươm WSAFE, Vietnam Silicon Valley Foundation, Câu lạc bộ IPO-SiHub… tăng cường năng lực hỗ trợ khởi nghiệp, giúp các nhóm dự án tiếp cận nhà đầu tư dễ dàng hơn. Từ đó, các bạn có thêm động lực, cảm hứng và điều kiện để theo đuổi đam mê kinh doanh và sáng tạo của mình.