Ban tổ chức trao giải nhất cho nhóm sinh viên Trường ĐH Nguyễn Tất Thành
Sau các phần thi trình bày ý tưởng, thuyết phục nhà tài trợ và trả lời câu hỏi của ban giám khảo, đề tài “Bột tảo nguyên liệu” của sinh viên Khoa Kỹ thuật Thực phẩm và Môi trường (Trường ĐH Nguyễn Tất Thành) đã xuất sắc giành giải nhất cuộc thi với giải thưởng trị giá 160 triệu đồng. Đề tài “Healthcare house” của sinh viên Trường ĐH Y dược TPHCM đạt giải nhì với giải thưởng trị giá 110 triệu đồng. Hai đề tài “Đề tài Sản xuất nấm mối đen”, “Sản xuất tinh dầu phân đoạn chất lượng cao phục vụ tiêu dùng và sản xuất” của sinh viên Trường ĐH Nguyễn Tất Thành cùng giành giải 3 với giải thưởng trị giá 25 triệu đồng/giải.
Ngoài ra ban tổ chức còn trao thêm 3 giải phụ cho các dự án được bình chọn nhiều nhất, dự án có tác động xã hội nhiều nhất với mỗi giải 5 triệu đồng.
Cuộc thi START-UP OPEN DAY 2019 diễn ra từ ngày 7-6 đến ngày 24-8 đã thu hút 50 nhóm sinh viên đến từ trên 10 trường ĐH, CĐ khu vực phía Nam gồm: ĐH Y dược TPHCM, Viện Karolinska Thuỵ Điển, ĐH Ngoại thương, ĐH Bách khoa, ĐH Khoa học Tự nhiên TPHCM, ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Công nghệ Thông tin – ĐH QG TPHCM, Viện Công nghệ Cao, CĐ Kinh tế Đối ngoại, ĐH Tây Đô, ĐH Bình Dương, Viện đào tạo Quốc tế NIIE và đơn vị tổ chức ĐH Nguyễn Tất Thành.
Ban giám khảo dành 5-7 phút tham quan, tìm hiểu 10 ý tưởng và dự án trưng bày tại vòng chung kết
Đại diện cho nhóm sinh viên đạt giải nhất cuộc thi, bạn Lê Thị Ngọc Dung chia sẻ: “Do nguồn thức ăn công nghiệp được sử dụng rộng rãi trong ao nuôi, dẫn đến nhiều dinh dưỡng vô cơ bị hòa tan trong nước vì thừa thức ăn làm cho vi sinh vật phát triển gây bệnh, nấm thậm chí phát triển thành dịch gây ra hậu quả vô cùng lớn là làm chết hết ao tôm. Bên cạnh đó nếu dinh dưỡng thừa trong nước, sẽ gây nhiễm khuẩn tiếp đến là sử dụng khá nhiều kháng sinh để trị bệnh cho thủy hải sản. Nếu vòng tuần hoàn trên cứ xảy ra liên tục dẫn đến nguồn lợi thủy hải sản không thể xuất khẩu được vì không đạt yêu cầu. Mặc khác tôm giống còn nhỏ nên rất nhạy cảm và dễ chết nên rất cần có nguồn thức ăn phù hợp cho tôm non. Vì vậy việc sử dụng nguồn thức ăn sống từ tảo là rất cần thiết, mục tiêu của chúng tôi là cung cấp cho thị trường nguồn thức ăn thiên nhiên giải quyết được các vấn đề trên. Để sản xuất được thức ăn từ tảo chúng tôi đã trãi qua nhiều giai đoạn nghiên cứu và đã hoàn toàn kiểm soát được môi trường sống của chúng. Thức ăn từ tảo đáp ứng được yêu cầu xanh, sạch với nguồn dinh dưỡng dồi dào còn xử lí tốt nguồn nước… tại thị trường Việt Nam hiện nay có rất ít người nuôi thành công giống tảo chlorella mà nguyên liệu chủ yếu phải nhập khẩu từ nước ngoài dẫn đến giá thành cao. Từ đó bước đầu chúng tôi hướng đến sản xuất bột tảo nguyên liệu và hướng đến nhiều ứng dụng khác nhau, trong đó hướng chính là sản xuất thức ăn hữu cơ”. Hiện, sản phẩm của nhóm đã có mặt tại thị trường và nhận được phản hồi tốt từ người tiêu dùng.
Theo Th.S Nguyễn Thanh Phương, Trưởng phòng Quan hệ doanh nghiệp Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, Trưởng ban tổ chức cuộc thi cho biết: Cuộc thi là một trong những sự kiện mà trường tổ chức nằm trong đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” của Chính phủ (gọi tắt là Đề án 844). Trước khi tổ chức cuộc thi, nhà trường đã cùng Bách Khoa Holding, Trường ĐH Kinh tế Quốc Dân tổ chức khóa tập huấn, đào tạo kiến thức, kỹ năng và công cụ cơ bản về khởi nghiệp sáng tạo cho hàng trăm sinh viên các trường ĐH, CĐ tại khu vực phía Nam.
Ban giám khảo đặt câu hỏi cho thí sinh tham dự vòng chung kết
Theo suốt cuộc thi có 30 giám khảo là những chuyên gia, nhà doanh nghiệp được mời và tham gia tình nguyện đóng góp cho cuộc thi. Đặc biệt, có trong thành phần ban tổ chức cuộc thi có 7 chuyên gia là luật sư (Việt kiều Mỹ) hỗ trợ Ban tổ chức về bảo vệ sở hữu trí tuệ cho các đề tài của thí sinh dự thi và định hướng nghiên cứu tính mới cho các nhóm dự thi. Tài trợ cho cuộc thi là Công ty CP Dịch vụ Thương mại và đầu tư 688 Việt Mỹ và Công ty IP Group. Các đề tài đoạt giải nhất, nhì, ba của cuộc thi ngoài nhận giải thưởng, ban tổ chức sẽ hỗ trợ ươm mầm để starup.