Dự án Ứng dụng Bột tảo Spirulina làm thức ăn cho tôm và cả tạo môi trường do nhóm sinh viên Nguyễn Ngọc Trân, Trần Thị Nga, Biện Công Đoàn, Bùi Phước Trường thực hiện dưới sự hướng dẫn của ThS. Huỳnh Văn Hiếu thuộc khoa Công nghệ Sinh học, Đại học Nguyễn Tất Thành là dự án thứ 2 thuyết trình tại Chung kết Cuộc thi Khởi nghiệp Quốc gia 2020.

Dự án Ứng dụng Bột tảo Spirulina làm thức ăn cho tôm và cả tạo môi trường

Các tác giả của Dự án Ứng dụng Bột tảo Spirulina làm thức ăn cho tôm và cả tạo môi trường

TRÌNH BÀY CỦA DỰ ÁN

Có thời gian tìm hiểu nghiên cứu về tảo Siprulina nhiều năm và nhóm bạn trẻ khởi nghiệp đã thấy được nỗi khổ của người nông dân nuôi tôm mắc phải như: hao hụt cao ở giai đoạn thả giống; tốc độ phát triển chậm ở giai đoạn đầu ảnh hưởng đến sự phát triển về sau của tôm nuôi, màu sắc tôm không đạt yêu cầu mong muốn làm cho giá tôm giảm gây ảnh hưởng đến doanh thu mỗi vụ,…

Khảo sát các hộ nuôi tôm ở Xã Mỹ An, Huyện Thạnh Phú, Tỉnh Bến Tre và thấy được những khó khăn của bà con nơi đây, nhóm sinh viên Nguyễn Ngọc Trân, Trần Thị Nga, Biện Công Đoàn, Bùi Phước Trường đã quyết định tiến hành thực hiện dự án “Ứng dụng tảo Sprirulina gia tăng hiệu quả cho tôm và cải tạo môi trường” với mong muốn khắc phục những mong muốn của bà con nông dân và bắt tay vào ứng dụng thực tế.

Thuyết trình tại buổi chung kết, đại diện nhóm dự án cho biết, kết quả ứng dụng tảo Spirulina vào thức ăn cho tôm là phương án khả thi với tính ứng dụng thực tế cao, giải quyết được các vấn đề khó khăn đặt ra và tạo ra “sản phẩm để giải quyết các nỗi đau của người nuôi tôm”.

Về quy mô thị trường, tôm thẻ chân trắng là một trong những mặt hàng được nước ta xuất khẩu ra thị trường nước ngoài với sản lượng rất lớn. Do đó, diện tích dùng để nuôi tôm thẻ chân trắng cũng được mở rộng với một trăm mười sáu nghìn hecta trên cả nước. Tuy nhiên, riêng tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long đã có tám mươi nghìn hecta đất sử dụng để nuôi tôm. Đây cũng chính là thị trường mà dự án nhắm tới với nhiều tiềm năng giúp cho sản phẩm của dự án phát triển và gia tăng.

Sản phẩm của dự án bao gồm: Sản phẩm tảo sấy khô cho người nuôi tôm, chuyển giao công nghệ phối trộn cho người nuôi tôm.

Về điểm khác biệt so với những dự án cùng đề tài khác, nhóm nghiên cứu cho biết, qua sự đổi mới trong quá trình nuôi tảo làm cho giá thành tảo Spirulina giảm giúp cho người dân nuôi tôm tiết kiệm được chi phí thức ăn nuôi tôm làm gia tăng giá trị kinh tế. Bên cạnh đó, nổi trội của sản phẩm là cùng 1 sản phẩm có thể đáp ứng các yêu cầu người nuôi tôm hiện nay đó là giảm hao hụt, tăng tốc độ phát triển giai đoạn đầu, tăng màu sắc tôm.

PHẢN BIỆN TỪ HỘI ĐỒNG THẨM ĐỊNH

Đại diện Hội đồng Thẩm định dự án, ông Trương Thanh Hùng – Chuyên gia Khởi nghiệp Đổi mới sáng tạo, Giám đốc FINNO Group, Phó Chủ tịch Hội đồng Cố vấn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Quốc gia – phụ trách khu vực miền Trung đã đặt loạt câu hỏi xung quanh sản phẩm của dự án.

Theo đó trả lời câu hỏi ản phẩm đang ở giai đoạn nào? nhóm dự án cho biết, hiện đã xong giai đoạn thử nghiệm, đang ở giai đoạn khảo sát và đang xin giấy tờ hợp quy để bán ra thị trường.

Đối với câu hỏi sản phẩm này chỉ dùng cho thẻ chân trắng hay tất cả các loại tôm? đại diện dự án cho biết, sản phẩm tảo bổ sung thức ăn cho tôm để tăng chất lượng, sức đề kháng. Hiện nhóm đang cho tiến hành với tôm thẻ chân trắng. Tuy nhiên, sản phẩm này sử dụng cho nhiều loại tôm khác.

“Chưa thử nghiệm với các loại tôm khác, vì sao các bạn lại khẳng định có thể sử dụng trên nhiều loại tôm”? – Trương Thanh Hùng đặt câu hỏi. Đại diện dự án cho biết, vì thẻ chân trắng dễ nuôi, thời gian quay vòng ngắn nên chọn loại tôm này để thử nghiệm. Sau loại tôm này sẽ thử nghiệm tiếp sang các loại tôm khác.

Đại diện nhóm cho biết, hiện thẻ chân trắng chiếm 95% trên thị trường. Với sản phẩm này, nhóm mong muốn chiếm được 5% thị phần, quy ra doanh số 2.784 tỷ. Ban đầu nhóm phân phối trực tiếp đến các hộ nuôi tôm công nghệ. Sau đó, có được sự chấp nhận của bà con sẽ tiếp cận đến đại lý, rồi hướng tới các công ty sản xuất thức ăn.

Trả lời câu hỏi của ông Đàm Quang Thắng – Tổng Giám đốc Công ty TNHH Agricare Việt Nam, Chuyên gia Khởi nghiệp Đổi mới sáng tạo, Chủ tịch Hội đồng Cố vấn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Quốc gia:  “Hiện có hàng ngàn sản phẩm đang đi vào phân khúc thị trường của các bạn. Điểm khác biệt về công nghệ của các bạn là gì? Làm thế nào để bảo hộ được sở hữu trí tuệ?”, đại diện dự án cho biết, hiện nay nhóm đã nuôi được tảo quy mô bán công nghiệp, chất lượng tốt. Điểm khác biệt là nhóm đã độc quyền thành phần môi trường nuôi tảo, đổi mới chất dnh dưỡng, vi lượng trong môi trường nuôi tảo và tỷ lệ phối trội nuôi tảo.

Với câu hỏi của ông Phan Đình Tuấn Anh – Founder của Angels 4 Us, Phó Chủ tịch Hội đồng Cố vấn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Quốc gia – phụ trách khu vực phía Nam: “Hiệu quả đầu tư trên 90% dựa trên cơ sở nào?”, đại diện dự án cho biết, hiệu quả đầu tư dự trên những cơ sở đã khảo sát, trên quy mô nuôi tảo bán công nghệ, từ đó nhân lên, đưa ra hiệu quả.

Đại diện dự án cũng cho biết, hiện tại đã có 4 hộ và 1 công ty đang đặt hàng của dự án.

Với câu hỏi: “Nuôi bao nhiêu ngày được một lứa tảo, 1000m2 nhà lưới nuôi tảo mất bao nhiêu tiền?”, đại diện nhóm cho biết, nuôi 15 ngày được một lứa tảo. “Chúng em không dùng nhà lưới nuôi tảo mà sử dụng diện tích nuôi tảo theo cách làm của nhóm. Dự kiến 2h thì vốn đầu tư ban đầu là 2 tỷ đồng”. – đại diện nhóm cho biết.

Theo đại diện nhóm này, các bạn chọn cách bán hàng trực tiếp cho sản phẩm tảo Spirulina là bởi nhóm muốn tiếp cận trực tiếp tới bà con nuôi tôm, thậm chí có thể miễn phí sản phẩm cho khách hàng sử dụng để lấy uy tín. Sau khi có được uy tín, sẽ phát triển thị trường.

“Hiện chúng em nghiên cứu và tham khảo để đăng ký bản quyền sớm. Chúng em tự tin xác xuất thành công đăng ký độc quyền về môi trường nuôi tảo”. – Đại diện dự án khẳng định.

Sau phần hỏi đáp của Hội đồng thẩm định, đại diện các dự án đối thủ cũng đã đặt câu hỏi phản biện:

Trả lời câu hỏi: “Đề tài của bạn được xếp vào lập nghiệp, trong khi cuộc khi này là khởi nghiệp. Bạn có ý kiến gì?”, đại diện dự án cho biết, dự án đang trên con đường hoàn thiện, tìm kiếm khách hàng để tiến tới con đường khởi nghiệp.

Với câu hỏi: “Nhiều doanh nghiệp đã ứng dụng sản phẩm này ứng dụng để chữa bệnh cho người hay sản xuất các sản phẩm làm đẹp, nhưng các bạn lại sử dụng và nuôi tôm?”, đại diện nhóm cho rằng, “sản phẩm dành cho người sẽ sử dụng công thức khác với thành phần môi trường, kỹ thuật nuôi cao hơn, sạch hơn là sử dụng cho tôm. Để nuôi cho tôm, chúng tôi đã biến đổi công thức môi trường, thay đổi công thức rẻ hơn, phù hợp nuôi tôm, giá thành cạnh tranh”.

Liên quan đến câu hỏi: “Nhóm cần thời gian như thế nào để hoàn thiện quy trình, tiến tới sản xuất thức ăn cho tôm?”, đại diện dự án cho biết, “hiện tại nhóm mới chỉ trộn tảo Spirulina vào thức ăn cho tôm, còn liên kết với công ty để sản xuất thức ăn cần thời gian dài hơn.

Trả lời câu hỏi: “Hiện khi nuôi tôm người ta sẽ kiểm soát loại tảo trong ao nuôi nhiều? Các bạn đã khảo sát mật độ tảo trong ao nuôi chưa?”, đại diện dự án cho biết “tảo Spirulina là tảo khô dùng để bổ sung dinh dưỡng cho tôm. Khi xuống nước tảo không thể sống lại mà chỉ làm thức ăn cho tôm nên không sợ dư thừa thảo dưới ao nuôi”.

Chương trình Khởi nghiệp Quốc gia do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức thực hiện, dưới sự chỉ đạo của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đã là một người bạn đồng hành quen thuộc với các bạn trẻ mong muốn lập thân, lập nghiệp bằng con đường kinh doanh.

Năm 2020, các hoạt động khởi nghiệp được thực hiện đa dạng, tập trung vào đào tạo, huấn luyện, tư vấn, như đào tạo giảng viên nguồn TOT, tập huấn và huấn luyện về khởi nghiệp và kinh doanh liêm chính; tư vấn – hỗ trợ khởi nghiệp. Đáng chú ý, năm 2020, Chương trình Khởi nghiệp Quốc gia đã thành lập và ra mắt Hội đồng Cố vấn Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Quốc gia và tổ chức thành công Diễn đàn ASEAN Khởi nghiệp theo hình thức vừa trực tiếp và vừa trực tuyến.